Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013


Sẽ có rất nhiều bỡ ngỡ bởi những chuyển biến khác thường của cơ thể khi bà bầu.


Sẽ có rất nhiều bỡ ngỡ bởi những chuyển biến khác thường của cơ thể khi bà bầu.

Sau đây là những giải pháp giúp thai phụ loại bỏ sự hoang mang ấy.



1. Tôi cần làm gì trong các lần khám thai?



Trong lần khám đầu tiên (3 tuần sau khi chậm kinh), thai phụ được siêu âm lần đầu để khẳng định thai đang phát triển và xét nghiệm máu bắt buộc. Lần thứ hai sau đó khoảng 1 tháng, bác sĩ cũng siêu âm để xác định chính xác ngày thụ thai, khẳng định thai phát triển, đo chiều dày vùng gáy để tầm soát bệnh Down. Các lần khám giữa thai kỳ thường chỉ theo dõi thông thường, tiêm phòng uốn ván.

Ở lần khám lúc 36 tuần, ngoài việc theo dõi, nên xét nghiệm dịch âm đạo tìm khuẩn strepto B, đưa ra tiên lượng về phương pháp sinh. Từ tuần thứ 38, có thể phải làm thêm các xét nghiệm như siêu âm theo dõi nước ối, ngôi thai, tình trạng bám của rau thai...



2. Làm sao để tôi biết được con tôi hoàn toàn khỏe mạnh?



Sức khỏe của bé là điều quan tâm lớn của người mẹ. Những triệu chứng thường gặp trong 3 tháng đầu thai kỳ thậm chí là suốt 9 tháng mang thai như mệt mỏi, buồn nôn…là những dấu hiệu tốt. Điều đó chứng tỏ rằng hormone trong cơ thể mẹ đang thay đổi để hỗ trợ cho sự phát triển của bào thai.



Nếu bạn luôn chăm sóc cẩn thận cơ thể mình và đến bác sĩ khám thai định kỳ thì nên yên tâm rằng: cả mẹ và con đều khỏe mạnh.

3. Tôi được quan hệ tình dục khi mang thai?



Quan hệ tình dục tuyệt đối an toàn và sẽ không gây ra các biến chứng như sảy thai trong thời gian mang thai thông thường. Tử cung chứa túi ối bảo vệ bé,  tạo ra một tác động đĩa đệm chống va chạm. Do vậy bạn sẽ không gặp bất cứ guy cơ chấn thương nào khi làm "chuyện ấy"



Tuy nhiên, nếu bạn được xếp trong hàng ngũ những người có nguy cơ cao (nhau thai ở vị trí bất thường, có xu hướng sẩy thai, tiểu sử sinh non) hãy tham khảo ý kiến bác sĩ gia đình hoặc chuyên viên đỡ đẻ của bạn xem liệu quan hệ có an toàn trong thời gian này. Bạn nên nói chuyện với các bác sĩ nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu bất thường sau khi giao hợp, như đau đớn, chảy máu, ra khí hư, hoặc các sự co thắt có vẻ như tiếp diễn sau khi quan hệ.



4. Tôi có được tắm nước nóng khi mang thai?



Nếu nhiệt độ cơ thể bạn lên quá 38,9 độ C sẽ làm tăng nguy cơ khuyết tật ống thần kinh của bé trong 3 tháng đầu tiên và mất nước về sau trong thai kỳ. Vì thế, cố gắng hạn chế những hoạt động có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể, như: tắm hơi hoặc tắm bồn, tắm vòi sen bằng nước rất nóng, ra ngoài trong thời tiết rất nóng hoặc khi tập thể dục. Tốt nhất tắm trong bồn nước mát, hoặc hơi ấm. Đừng tập luyện quá mức để cơ thể bị quá nóng.



5. Những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình tôi mang thai là gì?



Đó là ra máu âm đạo, bong nhau, rau tiền đạo, nhiễm trùng cổ tử cung, nhiễm trùng đường tiết niệu, có cơn co tử cung và dọa đẻ non, cao huyết áp kèm theo phù nề và có albumin niệu (nguy cơ máu tụ sau nhau và sản giật, thai chết lưu). Tăng cân quá nhiều và tiểu đường thai kỳ cũng là biểu hiện nguy hiểm. Nếu có các biến chứng trên, sản phụ phải làm thêm nhiều xét nghiệm và đôi khi phải nhập viện theo dõi, hoặc khám thêm ở một chuyên khoa khác như: tim mạch, nội tiết.



6. Tôi nên ngủ ở tư thế nào thì tốt cho em bé?



Hầu hết phụ nữ khi mang thai đều thấy rằng nằm nghiêng người, co gối lên là tư thế tương đối dễ chịu trong suốt quá trình ngủ khi mang thai. Nhiều bác sĩ đặc biệt khuyến cáo tư thế này để tăng lưu thông máu trong cơ thể. Nằm nghiêng bên trái sẽ giúp tử cung không chèn lên gan và tĩnh mạch lớn mang máu từ tim tới chân. Nếu bạn khó khăn khi nằm nghiêng, hãy xin ý kiến bác sĩ, họ có thể cho bạn sử dụng một cái gối để hỗ trợ bạn nằm tư thế này.



7. Tôi sợ mình ốm nghén sẽ không có đủ dinh dưỡng cho thai nhi phát triển?



Bạn không cần phải quá hoảng sợ khi không thể ăn được gì trong thời kỳ ốm nghén, hoặc khi chỉ ăn được một vài món ăn nhất định. Đại đa số các triệu chứng ốm nghén thường không cần phải lo lắng quá bởi cơ thể của bạn có khả năng tích trữ đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Nếu bạn bị mất nước, bị giảm cân đột ngột, bị ốm trong một thời gian dài, hoặc bị tiểu đường… thì lúc này cần quan tâm nhiều hơn hoặc nếu cần thiết sẽ phải gọi bác sĩ.



8. Khi mang thai, tôi nên tập thể dục như thế nào?



Nguyên tắc chung của việc tập luyện khi mang thai là nên tập luyện những môn thể thao có cường độ nhẹ. Nếu trước đây bạn hay tập những bài yêu cầu cử động mạnh thì trong thời gian có thai nên chuyển sang tập nhẹ nhàng vì những động tác mạnh có ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi.



Các bài tập nhẹ như aerobic với cường độ nhẹ, đi bộ với tốc độ vừa phải… sẽ là những lựa chọn tốt nhất.



9. Hôm nay tôi vấp và ngã ra sàn nhà. Tôi lo rằng mình có thể làm tổn thương con?



Trừ khi bạn ngã úp và gây áp lực trực tiếp lên bụng, còn nếu không thì em bé của bạn vẫn hoàn toàn an toàn. Cơ thể người mẹ được cấu tạo đặc biệt, giúp bảo vệ em bé trong bụng ở mức an toàn nhất. Nhìn chung, bạn không cần quá quan tâm khi bị vấp ngã nhẹ, em bé vẫn an toàn, còn nếu bị chảy máu âm đạo hoặc vỡ nước ối ngay lúc ngã thì điều cần làm là đưa bạn đến ngay bệnh viện.



10. Dấu hiệu chuyển dạ khi sắp sinh con là gì?



Có hai khả năng: Xuất hiện các cơn co tử cung gây đau và vỡ ối (có thể không đau bụng). Lúc này, cần đến bệnh viện ngay. Các nhân viên y tế sẽ theo dõi độ mở của cổ tử cung, mức lọt của đầu thai nhi. Quá trình này có thể kéo dài từ 1 đến 12 tiếng, sau đó là giai đoạn rặn đẻ khi cổ tử cung đã xóa hoàn toàn và đầu bé xuống thấp dưới âm đạo, diễn ra trong khoảng 5-20 phút.

Theo Huyền Trang (Web Phụ nữ)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

Mipec riverside |Chung cư gemek tower | Vinhomes riverside | mỹ phẩm minisize | VVA Cosmetics