Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Tặng quà cho người khác rất khó, nhất khi người đó lại là mẹ chồng. Có lẽ vì vậy mà nhiều chị em đã nghĩ đến một quà tặng “nhanh - tiện - kinh tế” đó chính là tặng mẹ chồng “hoa đồng tiền” trong ngày 8 - 3. Nhưng không phải lúc nào “tiện” cũng đi kèm với “lợi”.

Mẹ chồng chê... “hoa đồng tiền”
H.Hà (Trương Định, Hà Nội) có một kỉ niệm nhớ đời về vụ tặng “hoa đồng tiền” cho mẹ chồng nhân ngày 8 - 3. Lúc đó, Hà mới lập gia đình chưa được một năm, hai vợ chồng lại ở riêng ngay từ đầu nên cũng chưa thực sự hiểu nhiều về thói quen, sở thích của mẹ chồng. Mùng 8 - 3, Hà muốn mua một món quà để tặng mẹ để tình cảm hai mẹ con được gắn bó, thắm thiết hơn. Mua quần áo thì cô không biết mẹ chồng thích kiểu dáng, màu sắc thế nào, mua mĩ phẩm, nước hoa thì mẹ chồng Hà đã cao tuổi rồi nên hầu như không sử dụng đến.

Băn khoăn mãi mà không tìm được món quà nào ưng ý, Hà chuyển sang hỏi các chị em trong phòng. Mỗi người một ý, nhưng chung quy lại, các chị trung tuổi, có kinh nghiệm làm dâu lâu năm đều tư vấn: “Đa số các cụ về hưu rồi không còn làm ra nhiều tiền nữa nên biếu tiền là để các cụ thích mua gì thì mua. Nếu mình mua quần áo hay các thứ khác mà không hợp ý mẹ chồng thì cũng dở”. Nghe lời khuyên của các “chuyên gia tư vấn”, nhân ngày 8 - 3, Hà mang hoa đến biếu mẹ chồng và còn biếu bà 500 nghìn để bà chi tiêu thêm. Hoa thì bà nhận nhưng tiền thì dù Hà có nói thế nào, bà cũng nhất định không.

Bà còn nói một câu khiến Hà cảm thấy ngại mãi: “Bố mẹ cũng có tiền lương đủ sống, không thiếu thốn gì cả mà các con phải biếu tiền. Các con cũng mới lấy nhau, lương của cả hai đứa thì không phải là nhiều nhặn gì, để tiền đó mà sắm sửa các thứ khác chứ đừng phung phí như vậy”. Biết là mẹ chồng nói thế chỉ muốn tốt cho con cái nhưng Hà vẫn cảm thấy bà đang có ý ngầm trách cô thực dụng.
Lan thì còn gặp phải trường hợp “cười ra nước mắt” với vụ tặng “hoa đồng tiền” cho mẹ chồng. Gia đình nhà chồng Lan có 3 anh em trai trong đó chỉ có chồng cô được học hành tử tế nên công việc ổn định và thu nhập cũng khá giả hơn hai ông anh trai. Vì gia đình nhà chồng không khá giả nên những dịp lễ Tết, cô đều biếu tiền để các cụ thích mua sắm gì thì mua.

8 - 3, thương mẹ chồng vất vả, chi tiêu, ăn uống trong nhà tằn tiện nên Lan biếu mẹ một phong bì 300 nghìn để “mẹ thích mua gì thì mẹ mua”. Mẹ chồng Lan rất vui vì con dâu quan tâm đến mình. Nhưng liền lúc đó, bà gọi ngay ông anh cả đang chơi trong nhà ra và nói: “Lan nó biếu mẹ mấy trăm nghìn nhưng mẹ không mua bán gì cả mà cần đến tiền, anh cầm về mua mấy món ngon ngon cho lũ trẻ ăn”. Khốn nỗi, đây là ông anh chồng Lan ghét nhất nhà vì suốt ngày chỉ lêu lổng, cờ bạc rượu chè rồi nã tiền vợ; vợ hết tiền thì nã tới bố mẹ.
“Tưởng biếu tiền thì mẹ chồng mình có thể mua sắm hay ăn uống món gì ngon ngon nhưng mà không ngờ mẹ lại cho anh cả. Như thế cũng bằng không. Biết thế mình mua cái gì thì mẹ chồng còn được ăn được dùng”, Lan than thở.


Gặp phải mẹ chồng thực dụng
Ngược lại hoàn toàn với mẹ chồng Hà là mẹ chồng chị Xuyên. Mẹ chồng chị Xuyên là người rất thực dụng. Mọi thứ bà đều quy ra tiền và vật chất hết. Hồi mới cưới, có lần chị Xuyên mua hoa tặng mẹ chồng liền bị bà mắng: “Hoa với hoét rồi cũng héo chứ được tích sự gì đâu. Tiền ấy con đưa cho mẹ, mẹ mua... con gà luộc lên cho cả nhà ăn còn thích hơn”. Biết tính mẹ chồng như vậy nên những lần sau chị đều đem biếu bà tiền, vừa nhanh chóng, đỡ phải nát óc nghĩ mua tặng quà gì lại không bị bà chê là “thiếu hiệu quả”.

Khốn nỗi, ngoài chị Xuyên, gia đình chồng chị còn có tới hai cô em dâu nữa, kinh tế mỗi gia đình khác nhau nên số tiền có thể biếu cha mẹ trong những dịp lễ Tết thế này vì thế cũng không thể giống nhau. Hiểu được điều đó nhưng mẹ chồng chị lại có thói quen đo “tình cảm” các con dành cho mình bằng việc so sánh... giá trị quà tặng của con dâu nào cao hơn. Sau mỗi dịp lễ Tết, bằng cách này hay cách khác, bà đều khéo léo thông báo cho các con biết vợ chồng con trai nào biếu mẹ nhiều nhất, con nào biếu mẹ ít nhất.

Mùng 8 – 3 năm ngoái, gia đình chị Xuyên mới trải qua nhiều vận hạn, cơ quan chồng làm ăn thua lỗ, việc kinh doanh của chị cũng sa sút, con cái phải đi cấp cứu bệnh viện mấy lần vì ngộ độc thức ăn... Chính vì vậy, chị không thể biếu bố mẹ nhiều như khi hai vợ chồng còn làm ăn thịnh vượng. Lúc chị đưa tiền biếu mẹ, bà còn nói ngọt như mía lùi: “Các con đang gặp nhiều khó khăn, để tiền đấy mà lo những chuyện khác chứ biếu mẹ làm gì, mẹ có chi tiêu gì mấy đâu mà cần đến tiền”.

Ấy nhưng, mấy hôm sau, lúc mẹ chồng và nàng dâu ngồi rôm rả trò chuyện, bà đã vội vàng lấy cái áo dài gấm mới may ra khoe: “Năm nay, Dung (tên cô con dâu thứ hai) biếu mẹ những 1 triệu. Mẹ lấy tiền đó may cái áo này, các con thấy có đẹp không?”. Mặc cho cô dâu hai cười tươi hãnh diện, hai cô dâu cả và út chỉ lặng lẽ ngồi im.

“Biếu tiền cho mẹ chồng, nhất là những người mẹ chồng thực dụng như mẹ mình thì rất dễ bị so bì hơn kém. Biếu các cụ nhiều thì kinh tế gia đình mình không kham nổi, mà biếu ít thì lại áy náy”, chị Xuyên thở dài. Mùng 8 - 3 năm nay đang đến gần, chị Xuyên đang tính sẽ gọi hai cô em dâu lại để thống nhất “quà tặng” chứ không để người thấp, người cao như mọi năm thì cũng nghĩ ngợi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

Mipec riverside |Chung cư gemek tower | Vinhomes riverside | mỹ phẩm minisize | VVA Cosmetics